Địa ngục - 1 cõi đi về

Cách hiểu hiện đại về địa ngục thường mô tả một cách trừu tượng, như một trạng thái mất mát hơn là sự trừng phạt ghê gớm ở cõi âm. Thế nhưng nhiều truyền thống thần thoại, tín ngưỡng dân gian, nhất là các tôn giáo, địa ngục luôn được xác định là nơi thọ tội ở đời sau.


Một cách tổng quát, các tôn giáo theo quan niệm lịch sử  tuyến tính coi địa ngục là vô hạn. Còn các tôn giáo theo quan niệm lịch sử cầu tính thường coi địa ngục là thời đoạn giữa các lần tái sinh. Các truyền thống điển hình này định vị địa ngục dưới mặt đất và thường có lối đi từ cõi người sống thông xuống địa ngục. Địa ngục là một trong những nơi đến của đời sau gồm cõi trời/ thiên đường/ tịnh thổ v.v… cùng địa ngục/ luyện ngục (nơi chuộc tội) và biên cảnh (giữa thiên đàng và địa ngục). Nơi đến của cuộc sống đời sau, đặc biệt địa ngục là biện sự đặc biệt phong phú, tùy theo từng truyền thống văn hóa - tôn giáo.

Địa ngục của các tôn giáo độc thần thuộc Abraham

Abraham là Tổ phụ của dân Israel và nhiều dân tộc gốc Sémite. Ông được cả tín đồ Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo tôn kính và thờ phụng. Các truyền thống tôn giáo gắn liền với tên tuổi Abraham khởi nguồn từ niềm tin vào một Thiên Chúa. Sau đây chúng ta lần lượt điểm qua quan niệm về địa ngục của các tôn giáo này.

1. Do Thái giáo sơ kỳ không có quan niệm về địa ngục, mặc dù quan niệm về cuộc sống đời sau đã được đưa ra trong suốt thời kỳ Hy Lạp, một cách rõ ràng trong các tôn giáo Hy Lạp láng giềng. Chẳng hạn như trong Sách của Daniel. Daniel 12.2 tuyên bố: “Và nhiều người ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy; một số được sống vĩnh viễn, một số phải bị sỉ nhục và khinh miệt mãi mãi”. Do Thái giáo không có giáo thuyết chuyên biệt về cuộc sống đời sau, nhưng lại có truyền thống bí tích/ truyền thống chính thống miêu tả Gehena. Gehena không phải là địa ngục, mà vốn là nhà mồ và sau đó là một thứ luyện ngục, nơi chuộc tội, nơi con người được xét xử dựa trên công đức lúc sinh tiền; hoặc hơn nữa, đó là nơi con người trở nên hiểu biết đầy đủ về những việc đã làm, những hành vi xấu xa, tiêu cực trong mỗi đời người. Kabbalah (hệ thống thần học bí tích) giải thích, đó là một “phòng chờ” (thường dịch là “lối vào”) của mọi linh hồn (không chỉ là kẻ xấu ác). Phần bao quát của tư tưởng Do Thái giáo cho rằng con người không ở vĩnh viễn tại Gehena: thời gian lâu nhất là 12 tháng, tuy nhiên có ngoại lệ. Một số người cho rằng đó là một lò luyện tinh thần, nơi đó linh hồn được thanh tẩy cho việc siêu thăng cuối cùng đến Olam Habah (tiếng Hebrew: nghĩa đen là “thế giới để đến”, thường được coi tương tự cõi Trời). Điều này cũng được chép trong Kabbalah rằng nơi đó linh hồn được mô tả là đang vỡ òa, như ngọn lửa của một cây nến thắp sáng cây nến khác: một phần của linh hồn được siêu thăng trở nên thanh khiết và một mảnh “không hoàn thành” đang tái sinh.

Theo giáo lý của Do Thái giáo, địa ngục không hoàn toàn mang tính chất vật lý, nó có thể so sánh với cảm xúc hối lỗi. Người ta hối lỗi về những việc làm xấu ác của mình và điều này tạo thành sự khổ đau nhằm đền tội. Khi người ta quá lệch hướng khỏi ý của Thượng đế, người ấy bị coi là đọa vào địa ngục. Điều này không nhắm đến thời điểm trong tương lai nào đó mà chính là hiện tại. Những cánh cổng teshuva (trở về) được coi là luôn luôn mở và một người như vậy có thể liên kết với ý Chúa ở bất cứ lúc nào. Theo kinh Torah, tách khỏi sự liên kết với Thượng đế sẽ tất yếu nhận lấy hình phạt.

2. Giáo thuyết Cơ Đốc giáo về địa ngục rút từ kinh Tân ước, trong đó, địa ngục được miêu tả một cách đại thể là sử dụng từ Tartarus hay Hades theo ngôn từ Hy Lạp, hay Gehenna theo ngôn ngữ Hebrew.
- Hades tương đồng đối với từ trong Cựu ước là Sheol: nơi của người chết. Do vậy, chúng được dùng để tham chiếu cho cả tốt và xấu, bởi cả hai đều đọa đến đó.
- Gehena chỉ “thung lũng Hinon”, bên ngoài Jesusalem. Đó là nơi đốt rác và do vậy, nơi đó lửa cháy liên tục. Các thân xác được coi là chết vì tội lỗi không hy vọng được cứu rỗi (ví dụ người tự tử) bị ném vào đó để thiêu hủy. Gehena dùng trong Tân ước như là một phúng dụ chỉ nơi trừng phạt kẻ xấu ác sau phục sinh.
- Tartaro (động từ “ném vào Tartarus”) chỉ xảy ra một lần trong Tân ước (tại II Peter 2:4); ở đó, nó được sử dụng song song ở dạng danh từ trong 1 Enoch là nơi hóa thân của 200 thiên thần bị đọa. Nó không đề cập gì đến việc linh hồn con người được gởi xuống đấy sau khi chết.

Giáo hội Công giáo La Mã định nghĩa địa ngục “là tình trạng tự rời bỏ sự cộng thông với Thượng đế và sự cứu rỗi”. Người ta tự tìm thấy chính họ trong địa ngục như là kết quả của sự qua đời trong trọng tội mà không ăn năn hối lỗi cùng việc chấp nhận tình yêu bi mẫn của Thượng đế, trở thành kẻ bị chia tách vĩnh viễn với Người do sự tự do chọn lựa của chính họ một cách tức thì sau khi chết. Giáo hội Công giáo La Mã, nhiều giáo hội Cơ Đốc khác, như Baptist và Episcopalian và vài giáo hội Chính thống giáo Hy Lạp, địa ngục được tuyên thuyết như là nơi đến cuối cùng của những kẻ bị coi bất xứng sau khi phục sinh và phán xét cuối cùng, ở đó, họ sẽ bị phạt tội và chia cắt vĩnh viễn với Thượng đế. Bản chất của cuộc phán xét này không nhất quán trong nhiều giáo hội Tin Lành (Protestant), theo đó, sự cứu rỗi đến từ việc thừa nhận Jesus Christ là đấng cứu rỗi. Trong khi đó, Chính thống giáo Hy Lạp và Giáo hội Công giáo tuyên giảng rằng sự phán xét phụ thuộc vào cả đức tin và công đức. Tuy nhiên, các tín đồ Cơ Đốc khai phóng và các Giáo hội Anh (Anglican Churches) tin vào sự Hòa giải phổ quát (xem dưới) mặc dù nó có thể mâu thuẫn nhiều với các quan điểm phúc âm trong giáo phái của họ (nhóm Tin Lành xác tín rằng linh hồn chỉ có thể được cứu vớt bằng đức tin vào Chúa).

Một số nhà thần học Cơ Đốc hiện đại nêu ra thuyết “Bất tử có điều kiện”. Sự bất tử có điều kiện là niềm tin rằng linh hồn, thân xác không sống trở lại cho đến khi phục sinh. Đây là quan niệm được một vài giáo phái Cơ Đốc xướng xuất như các giáo phái Giáo hội đời sống của Thượng đế, Giáo hội của Thượng đế quốc tế, và Giáo hội Ngày Thứ Bảy Mùa Vọng (Seventh Day Adventist Church).

Chủ nghĩa đoạn diệt hoàn toàn là tín lý cho rằng linh hồn bị tiêu tán hẳn trừ phi có được cuộc sống vĩnh cửu, khiến nó có khả năng bị tiêu hủy trong địa ngục.

Cộng đồng chứng nhân Jehova cho rằng linh hồn kết thúc sự tồn tại khi con người chết và vì vậy địa ngục (Shoel hay Hades) là trạng thái không tồn tại. Theo thần học của họ, Gehenna khác biệt với Shoel hay Hades ở chỗ nó không kỳ vọng gì đến phục sinh. Tartarus được coi là một trạng thái phúng dụ về sự hạ thấp giá trị của các thiên thần bị đọa trong thời kỳ suy thoái đạo đức của các thiên thần (chương 6, Genesis) cho đến kỳ hủy diệt thời hậu thế cùng với Sa Tăng (Revelation, chương 20).

Quan điểm của phái Hòa giải phổ quát xác tín rằng tất cả linh hồn của nhân loại (ngay cả quỷ và các thiên thần bị đọa) sẽ được lên trời. Quan điểm này được cổ xúy bởi một số giáo phái Unitarian-Universalist.
Theo kinh Khải huyền Cơ Đốc nhị lai, địa ngục tồn tại vì con người muốn có nó. Họ, chứ không là Thượng đế, đã đưa quỷ đến với loài người.

3. Tín đồ Hồi giáo tin vào Jahannam tiếng A Rập (tên gọi liên hệ với tiếng Hebrew là từ gehinnom và gắn với dị bản địa ngục trong Cơ Đốc giáo). Trong kinh Koran có những miêu tả cụ thể về việc đọa xuống địa ngục kinh hãi, đối lập với vườn Thiên đàng (Janah) dành cho những tín đồ thành tín.

Ngoài ra, thiên giới và địa ngục được phân ra nhiều cấp độ khác nhau dựa trên những hành động đã làm trong cuộc đời, nơi đó hình phạt nặng hay nhẹ căn cứ trên mức độ xấu ác của việc làm trong đời, và cái gọi là tốt được phân chia ra nhiều cấp độ, dựa trên cách một người tốt tuân phục Thượng đế lúc sinh tiền. Cửa địa ngục do Maalik, thủ lãnh của các thiên thần, được cắt cử canh gác địa ngục Zabaaniyah.

Mặc dù địa ngục thường được miêu tả là nơi đầy hơi nóng, hành hạ tội nhân, có một hố địa ngục đặc thù khác địa ngục khác trong truyền thống Hồi giáo. Zahareer là địa ngục cực lạnh, gió lốc, băng giá và tuyết lạnh buốt không thể chịu đựng được.

Hố địa ngục sâu nhất là Hawiyah dành cho kẻ đạo đức giả, luôn lớn tiếng tin vào Allah và thiên sứ của ngài, nhưng hai lòng. Đạo đức giả/ ngụy tín được coi là một trong những trọng tội cùng với sự lười biếng.

Địa ngục của các tôn giáo theo tín niệm tái sinh

Nói chung, địa ngục của các tôn giáo theo tín niệm tái sinh đặt nền tảng trên thuyết luân hồi (Samsara/Sangsara), tức quan niệm lịch sử cầu tính theo chu kỳ. Địa ngục Nakara của các tôn giáo này, bao gồm Hindu giáo, Phật giáo, Kỳ-na giáo, đạo Sikh, Bổng giáo (Tây Tạng), tôn giáo thờ Vishnu (Vaishnavism)… khác với các tôn giáo Abrahamic đặt cơ sở trên quan điểm lịch sử tuyến tính đã nói trên về cả hai phương diện: một là, chúng sinh đọa xuống địa ngục không do sự xét xử của một thần thánh nào; và hai là, thời gian ở địa ngục là không vĩnh viễn, mặc dù có thể dài một cách bất thường. Nói cách khác, chúng sinh xuống địa ngục - cũng giống như tái sinh vào các cảnh giới khác - là bởi nghiệp (karma) mà người đó đã tích tụ và lưu trú ở địa ngục cho đến khi đã trả hết quả mà nghiệp mình đã huân tập… Khi đã hoàn tất, người ấy sẽ được tái sinh vào một cảnh giới cao hơn.

1. Địa ngục Nakara của Hindu giáo khởi đi từ ghi chép đầu tiên trong Rig-Veda, song không miêu tả chi tiết. Đơn giản đó là nơi không có đáy của ma quỷ và bóng tối. Atharva-Veda mô tả đó là cảnh giới tối đen, nơi kẻ sát nhân bị trừng phạt sau khi chết. Shatapattha là kinh văn đầu tiên đề cập đến sự đau đớn và khổ sở của Nakara một cách chi tiết và Manu Smisiti là văn bản đầu tiên nêu tên các địa ngục. Các sử thi cổ đại Ấn Độ miêu tả một cách khái quát rằng đó là một khu rừng dày đặc không bóng râm, không có nước và không chừa một khoảng trống nào.

Địa ngục Nakara được định vị ở phía Nam vũ trụ và nằm dưới mặt đất. Cụ thể, Bhagavata Puruna xác định Nakara nằm giữa bảy cảnh giới của cõi âm cảnh (Patala) và đại dương Garbhodaka, dưới đáy vũ trụ.

Đứng đầu Nakara là Yama (Diêm vương)- xem hình bên. Yama cũng được gọi là Dharmaraja, thần Công Lý với đám bộ hạ Yama - dhutas mẫn cán và trung tín. Phụ tá cận kề của Yama là chúa tể Chitragupta, người nắm giữ sổ ghi chép công tội của người quá vãng để quyết định vong hồn được siêu thăng lên cõi trời Svarga hay đọa xuống các loại địa ngục khác nhau, tùy theo từng tội trạng cụ thể. Ai cũng phải xuống địa ngục vì một tội nhỏ nhặt dù công đức to lớn đến đâu. Trong sử thi cổ đại Ấn Độ Mahabharata, ngay cả các Pandavas (người điển hình cho đức hạnh và công chính) cũng đã phải trải qua một thời gian ngắn ở địa ngục vì những tội nhỏ của họ. Những người có công đức được “trực vãng” lên cõi Svarga. Những người thiện tâm, đặc biệt những người bố thí vật phẩm, đồ ăn thức uống cho kẻ khó và luôn luôn nói lời ngay thật được hưởng công lý khi Yama xét xử. Những anh hùng chiến trận và những người qua đời ở các thánh địa cũng được Yama miễn tội. Những người nhân từ và các bậc khổ hạnh hưởng được ưu đãi khi xuống địa ngục để xét xử. Những người bố thí đèn khi xuống địa ngục có đèn thắp sáng lối đi, còn những người trai tịnh theo giới luật tôn giáo thì được chim công và ngỗng trời chở đi.

Tên gọi của nhiều địa ngục thường được đề cập trong các kinh văn Hindu; tuy nhiên, từng tội danh lại bị trừng trị trong các địa ngục đặc biệt lại khác nhau trong các văn bản. Mặt khác, về số lượng, các văn bản cũng không giống nhau: có 4 hoặc 7 hoặc 21 hoặc 28; lại có văn bản khi kết thúc danh sách các địa ngục, tuyên bố có đến hàng trăm, hàng ngàn địa ngục. Để có thể hình dung một cách giản lược các địa ngục của Hindu giáo, chúng ta rảo qua 28 địa ngục trong Bhagavata và Devi Bhagavata Puruna:
1/Tamisra/ Tối đen (kẻ chiếm đoạt tài sản và vợ con của người khác/bị trói bằng thừng và bỏ đói);
2/Andhatamisra/ Mù tối (dành cho kẻ lừa người khác để “vui vẻ” với vợ con họ/bị hành hạ đến mực mất hết ý thức và mù lòa);
3/Raurava/ Sợ hãi (dành cho kẻ ích kỷ, tư lợi làm hại người khác/bị rắn raru cắn xé);
4/Maharaurava/ Hãi hùng (kẻ làm hại người/bị rắn Kravyada ăn thịt);
5/Kumphipaka/ Nấu chín trong chảo (kẻ sát sanh muôn thú bị nấu chín trong chảo dầu sôi);
6/Kalasutra/ Xuyên qua thời gian (kẻ giết một bậc tư tế Bà-la-môn, hay bất kính với cha mẹ, người lớn tuổi bị lửa tứ phía thiêu đốt;
7/Asipatravana/ Rừng lá gươm (kẻ tuyên giảng sai lạc giáo lý của kinh Vệ Đà bị các Yamadutas đánh bằng roi da, rượt đuổi trong rừng lá cây bén nhọn như gươm);
8/Shukaramukha/ Miệng heo (vua quan xử phạt người vô tội bị Yamadutas nghiền ra nước như ép mía);
9/Andakupa/ Giếng sâu không thấy miệng (kẻ làm hại người khác và các loài côn trùng bị chim, thú, loài bò sát, muỗi, rận, giun, ruồi… tấn công);
10/Krimibhojana/ Thức ăn là sâu (kẻ không chia sẻ thức ăn của mình với khách lỡ đường, người lớn tuổi và trẻ em hoặc các vị thần sẽ đọa xuống địa ngục rộng 100.000 do tuần chứa đầy sâu này. Kẻ đó bị biến thành một con sâu cho con sâu khác ăn vô số lần trong suốt 100.000 năm);
11/Sandansa/Giáo nhọn (kẻ đánh cướp một Bà-la-môn hay trộm vàng bạc châu báu bị xé xác bởi những bóng sắt nung đỏ và những cái kiềm);
12/Taptasurmi/ Tượng sắt nung đỏ (kẻ tà dâm bị đánh đòn và buộc phải ôm bức tường sắt nung đỏ);
13/Vajrakantaka Salami/ Cây bông đầy gai sắc nhọn như kim cương (kẻ quan hệ tình dục với súc vật hay hoang dâm quá độ bị cột vào cây gai sắc nhọn này và bị Yamadutas kéo lôi: gai cào rách da thịt);
14/Vaitani/ Phải vượt qua (Đây là con sông ngăn cách Nakara và cõi trần thế; ở đó, nước tiểu, phân, mủ, máu, xương, thịt và đầy các loài thủy quái ăn thịt người. Đẳng cấp chiến sĩ, hoàng tộc xao lãng nhiệm vụ bị ném xuống sông này của địa ngục);
15/Puyoda/ Nước mủ thối (nơi đọa của đẳng cấp hạ tiện/ Shudra, chồng hay bạn tình của phụ nữ thuộc đẳng cấp này cùng gái mại dâm);
16/Pranarodha/ Phá hoại cuộc sống (các người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn, chiến sĩ và thương gia ưa thích việc xua chó vào rừng để săn bắt muông thú sẽ bị các Yamadutas bắn tên vào người);
17/Visashana/ Giết người (Những kẻ kiêu hãnh về đẳng cấp hay sự giàu có của mình đã lấy việc hiến sinh động vật như là cách biểu thị danh giá cao sang sẽ bị các Yamadutas giết chết);
18/Lalabaksa/ Nước bọt là thực phẩm (Những kẻ ăn trước thức ăn dâng cúng cho thần linh, tổ tiên hoặc khách bị ném xuống dòng sông đầy nước…bọt này);
19/Sarameyadana/ Địa ngục của những đứa con trai của Sarama (kẻ phạm tội phá hoại, đốt nhà, đầu độc người khác để chiếm đoạt tài sản, vua quan vơ vét tiền của thương nhân, giết người hàng loạt hay tàn phá các quốc gia được đọa vào địa ngục này. Ở đây có 720 con chó dữ, con trai của Sarama, có hàm răng sắc như dao cạo, cấu xé);
20/Avici/ Không có nước và không có ánh sáng (kẻ không tôn trọng lời thề hoặc dối trá trong việc kinh doanh sẽ bị ném đi ném lại nhiều lần từ ngọn núi cao 100 do tuần với những cạnh sóng đá, nhưng không có nước: cơ thể bị nát tan, nhưng không chết được);
21/Ayahpana/ Uống sắt (Bất cứ kẻ nào đã thệ nguyện hay một người Bà-la-môn mà uống rượu sẽ bị phạt tội ở đây. Các Yamadutas đứng đè lên ngực và bắt những kẻ ấy uống nước sắt nóng chảy);
22/Ksarakardama/ Chất cường toan, bùn mặn, rác bẩn (kẻ kiêu ngạo, không tôn kính người lớn tuổi, người khổ hạnh kiên trì, người có kiến thức, đức hạnh, người có đẳng cấp hay bậc hướng dẫn tinh thần bị trừng phạt: Các Yamadutas ném dộng đầu xuống đất và hành hạ không ngừng);
23/Rasksogana-bhojana/ Thực phẩm của La sát (Những người tổ chức hiến tế người và ăn thịt người sẽ bị La sát cắt họ bằng dao và kiếm. Các La sát nhảy múa và ca hát vui đùa trên máu của họ hệt như họ đã hại các nạn nhân lúc sinh tiền);
24/Shulaprota/ Đâm bằng giáo mác tiêu (Những người nuôi chim thú giả vờ như họ là kẻ cứu độ, nhưng lại dùng dây và kim nhọn để trói giữ và khâu mắt mỏ hoặc sử dụng loài vật như đồ chơi vô tri. Tương tự những kẻ đã hành xử tương tự như vậy đối với con người, triệt tiêu sự tự tin của họ và giết họ bằng chỉa hay giáo mác. Tất cả những loại người này bị bỏ cho đói khát và bị đâm bằng giáo sắt nhọn; đồng thời, chúng bị kên kên và cò diệc rỉa rúc);
25/Dandasuka/ Rắn (kẻ đố kỵ và nóng giận làm hại người khác như loài rắn sẽ bị đọa vào địa ngục này để rắn 5 hoặc 7 đầu nuốt chửng);
26/Avata-nirodha/ Nhốt trong giếng sâu (Những kẻ giam cầm người khác trong giếng tối, khe núi hoặc hang núi sẽ bị giết bằng cách đẩy vào một cái giếng tối đen đầy khói độc;
27/Paryavarta/ Trở về (Chủ nhà đón tiếp khách với ánh mắt căm ghét và lạm dụng họ bị đọa vào địa ngục này để kền kền, diệc, quạ và các loài chim khác trợn trừng nhìn họ và đột nhiên bay đến mổ vào mắt;
28/Sucimukha/ Mặt kim khâu (Kẻ lúc nào cũng nghi ngờ, lo toan về việc bị người khác lấy trộm tài sản của mình, luôn thiên trọng tiền bạc nên làm mọi việc bất chấp đúng sai, để kiếm tiền và giữ của bị đọa vào địa ngục này. Các Yamadutas dùng kim khâu sợi chỉ xuyên suốt cơ thể).

Mặc dù tên gọi và số lượng các địa ngục không thống nhất nhau trong các văn bản Hindu, song tất cả đều xác định Yama là Diêm vương. Yama được ghi chép đầu tiên ở kinh Vệ Đà, có nguồn gốc từ cơ tầng của thần học Ấn-Ba Tư (Indo-Iranian). Theo truyền thống Vệ Đà, Yama được coi là con người đầu tiên, ông ta đã chết và được phái lên cư trú trên cõi trời và nhờ đức hạnh được ưu tiên làm thần cai quản người chết. Tuy nhiên, trong một số văn bản, tên gọi Yama được cắt nghĩa là song sinh, trong nhiều thần thoại Yama là cặp đôi với người em gái Yami - cả hai đều là con của thần Mặt trời Surya và được coi là cặp đôi đầu tiên của loài người trong kinh Vệ Đà. Về công năng, Yama có lúc được coi là thần cai quản phương Nam trong 4 phương và được coi là thần thời gian Kala bởi vì Yama đến vào thời điểm đặc biệt và thời điểm đó được chọn một cách tự nhiên: không một ai có thể cản được và thay đổi được! Yama được đồng nhất với Kala/ thời gian bởi chết là vấn đề của thời gian tương thích với quy luật và hệ thống tự nhiên. Nổi bật hơn thảy là Yama được coi là thần Công lý và đôi khi được tôn làm Pháp vương (Dharma-raja) theo nghĩa ông tận tụy công việc không bao giờ lệch hướng để giữ gìn trật tự và duy trì sự hài hòa. Do đó, Yama được coi là khôn ngoan nhất trong chư thần. Tuy nhiên, trong hệ thống thần linh Hindu, cũng có những câu chuyện kể về Yama lệ thuộc vào mệnh lệnh của thần Shiva và thần Vishnu. Trường hợp đầu, thần Shiva đã cứu tín đồ mộ đạo của mình là Markamdeya và trường hợp sau, là việc Vishnu đã cứu Ajamila thoát khỏi sự trừng phạt của Yama được ghi trong Bhagavata Puruna. Truyện kể rằng: Ajamila đã làm nhiều việc xấu như trộm cắp, bỏ vợ con để kết hôn với một gái điếm. Nhưng trước phút lâm chung hắn đã xưng tụng tên thần Narayana (tên khác của Vishnu) và được thần Vishnu cứu thoát khỏi tay của bộ hạ Yama. Sự thật, Ajamila chỉ thiết tha nghĩ đến đứa con trai út có tên là Narayana và chính cái tên trùng với tên thần Vishnu ấy đã tạo nên hiệu quả kỳ diệu: Ajamila thoát tội!

Nói chung, Yama mặc dù là bậc cai quản có quyền uy tối cao nhưng vẫn phải lệ thuộc vào Shiva và Vishnu bởi lẽ họ đều là những phương diện khác của thần Brahman có quyền hạn cao hơn. Ở đây, tôn ti của thần điện tôn giáo đã can thiệp vào quy luật sinh tử tự nhiên theo thời gian Kala mà Yama nắm giữ. Nói cách khác, các tín điều mang màu sắc thần ý luận đã khuôn đúc đặc điểm và tính chất của cõi đời lẫn cõi địa ngục, của thế giới bên này lẫn thế giới bên kia. Các tín đồ theo tôn giáo thờ phụng Vishnu (Vaishnavas) cũng được miễn trừ. Yama ra lệnh cho các Yamadutas tránh xa các Vaishnavas. Các tín đồ này khi qua đời hoặc được Vishnu-dutas đưa về Vaikuntha (thiên đường của Vishnu trên đỉnh núi Meru) hoặc về Goloka (thiên đường của thần Krishna).

2. Yama của Vệ Đà, với những thay đổi về chức năng, là cơ sở của Yama Phật giáo: xử tội người chết, thống quản địa ngục Phật giáo. Yama Phật giáo là một phần tích hợp không thể thiếu được của thần thoại Trung Quốc và Nhật Bản. Mặc dù, cơ bản dựa trên Yama của Vệ Đà Hindu. Yama Phật giáo phát triển những thần tích khác và những chức năng khác từ thần linh Hindu để xác lập nên tổng thể địa ngục của mình.
Địa ngục Nakara Phật giáo là cảnh giới nơi thọ khổ của chúng sanh tạo ác nghiệp. Tùy theo các ác nghiệp của chúng sanh mà địa ngục có tên gọi khác nhau. Kinh văn Phật giáo miêu tả một danh mục phong phú về hình phạt và những cảnh tượng xử tử các tội nhân theo từng ác nghiệp khác nhau ở Nakara (Pali: Niraya). Ví dụ tiêu biểu là trong Devaduta-sutta (phẩm 13 của kinh Trung A-hàm/ Majjihima Nikaya).  Địa ngục Phật giáo là một trong “lục đạo”, tức các cảnh giới tái sinh. Theo đó, địa ngục là cảnh giới thấp nhất, trong đó Avici (địa ngục vô gián) là nơi chịu sự đau khổ khôn cùng. Devadatta, kẻ đã mưu tính giết Phật ba lần, được xác định là bị đọa vào địa ngục Avici này.

Tuy nhiên, giống như những cảnh giới tái sinh khác, tái sinh trong địa ngục là không vĩnh viễn, mặc dù đau khổ dai dẳng suốt một thời gian dài không thể tính được trước khi được tái sinh lại tức khi đã trả hết tiền nghiệp (karma) của mình. Trong kinh Diệu pháp liên hoa, có cho biết rằng ngay cả Devadatta cũng sẽ tự chứng trở thành Phật Pratyeka (Độc giác Phật). Điều này đã xác định tính chất tạm thời của địa ngục và do vậy, Phật giáo tuyên giảng chủ vào việc giải thoát khỏi sự tối tăm vô tận trong 6 cảnh giới tái sinh (cả tích cực/ thiện đạo và tiêu cực/ u đồ ác đạo).

Về vị trí địa ngục Phật giáo, các kinh văn ghi chép sai biệt:
1/ Địa ngục nằm chung quanh biển lớn, giữa núi Đại Kim Cang và Đại Kim Cang thứ hai (Trường A-hàm 19, phẩm Nê Lê);
2/ Địa ngục ở ngoài núi Thiết Vi (Luận Lập thế A-tỳ-đàm I; kinh Địa Tạng: Phương Đông của Diêm Phù Đề có dãy núi Thiết Vi (…) trong đó có địa ngục lớn tên là Cực Vô Gián…);
3/ Đại địa ngục vô gián ở phía dưới Nam Thiệm Bộ Châu, bảy địa ngục còn lại theo thứ lớp chồng chất lên trên hay nằm bên cạnh (Luận Đại Tỳ-bà-sa 172, Luận Câu xá).

Về cơ cấu, số lượng và danh hiệu địa ngục trong kinh văn cũng thấy không thống nhất nhau. Phổ biến là 16 đại địa ngục (gồm Bát nhiệt địa ngục và Bát hàn địa ngục) và 16 tiểu địa ngục phụ thuộc vào Bát nhiệt địa ngục.

Bát nhiệt địa ngục là các địa ngục ở đó tội nhân chịu khổ vì nóng. Căn cứ vào từng loại tội danh, mỗi địa ngục có hình phạt thích ứng và danh hiệu của các địa ngục dựa vào các loại hình phạt này:
1/Sanjiva (Hán dịch: Đẳng hoạt địa ngục): Kẻ sát sanh đọa vào đây, tay tự mọc móng sắt dài nhọn và tự sân hận vồ lấy nhau, sát hại nhau;
2/Kalasutra (Hắc thắng địa ngục): Ngục tối lấy dây sắt nóng buộc kéo tội nhân, rồi đốt da, lóc thịt, thiêu xương…;
3/Samghata (Đối áp địa ngục): Kẻ sát sanh, trộm cắp, tà dâm đọa vào đây. Ở đây họ bị đá núi khép lại, ép đè thân thể;
4/Raurava (Kiếu hoán địa ngục): Tội nhân bị bỏ vào chảo để hầm nấu, kêu la, gào thét vì đau đớn;
5/Naharaurava (Đại kiếu hoán địa ngục): Tội nhân sau khi bị hầm nấu sống dậy lại bị dồn vào lò sắt để rang sấy;
6/Tapana (Tiêu nhiệt địa ngục): Địa ngục này có thành bằng sắt, lửa cháy hừng hực đốt tội nhân;
7/Pratapana (Đại cực nhiệt địa ngục): Đốt tội nhân trong thành sắt, nướng chúng trên núi lửa ở bên trên bờ hầm;
8/Avici (Vô gián địa ngục/ A Tỳ địa ngục): Tội nhân phạm trọng tội ngũ nghịch, phỉ báng Tam bảo đọa vào địa ngục này và thọ nhận các hình phạt chịu khổ sở liên tục không một giây nào dứt.

Bát hàn địa ngục là tám loại địa ngục lạnh buốt:
1/ Aburda: Hán dịch: Pháo, có nghĩa là phồng, tức da thịt tội nhân phồng rộp vì giá buốt;
2/ Nirarbuda: có nghĩa là “phồng nứt”;
3/ Atala: Chúng sanh thọ tội bị rét buốt cùng cực, lưỡi không cử động được, chỉ lập cập phát ra tiếng “a…ta…la”;
4/ Huhava: Chúng sanh thọ tội bị rét buốt lưỡi không cử động, chỉ phát ra tiếng “hu…ha…va”;
5/ Huhuva: Bị buốt, cứng lưỡi, chỉ phát được tiếng “hu…hu…va”;
6/Utpala có nghĩa là “Hoa sen xanh”: Chúng sanh thọ tội bị rét buốt quá mức, da thịt tái xanh nứt ra như hoa sen xanh;
7/Padma: Kẻ thọ tội bị rét lạnh, da thịt nứt ra như hoa sen hồng;
8/Maha-Padma: Có nghĩa là “Hoa sen hồng lớn”, tức chúng sanh thọ tội rét buốt tột cùng, thân thể nứt ra như hoa sen hồng lớn. Cuộc sống ở đây dài gấp 20 lần quãng đời trần thế mà người đó thọ hưởng.

Mười sáu tiểu địa ngục phụ thuộc vào Bát nhiệt địa ngục. Lại cũng có lý giải khác: Bát hàn và Bát nhiệt địa ngục, mỗi ngục có 4 cửa, mỗi cửa có 4 ngục nhỏ, tổng cộng là 16 ngục nhỏ. Chúng sanh chịu hình phạt trong các ngục này tăng dần lên nên còn gọi là “Thập lục du tăng ngục”:
1/ Hắc sa địa ngục (gió nóng thổi cát đen nóng dính vào thân);
2/ Phi thỉ địa ngục (địa ngục đầy những phân nóng);
3/Thiếc đinh địa ngục (tội nhân bị đóng 500 đinh sắt);
4/ Cơ ngạ địa ngục (bị rót nước đồng chảy vào miệng, trôi xuống đến bụng);
5/ Khát địa ngục (bị bỏ viên sắt nóng vào miệng);
6/ Nhất đồng hoạch địa ngục (bị ném vào vạc nước sôi);
7/ Đa đồng hoạch địa ngục (bị ném vào vạc nước sôi này sang vạc nước sôi khác);
8/ Thạch ma địa ngục (bị ma xát vào đá nóng);
9/ Nùng huyết địa ngục (bị đọa vào nơi máu độc làm toàn thân bị phỏng, cơ thể tan hoại;
10/ Lương hỏa địa ngục (địa ngục này chứa khối lửa lớn đốt cháy bỏng tội nhân);
11/ Khôi hà địa ngục (có dòng sông tro rộng lớn sôi sùng sục, xông lên mùi hôi thối. Tội nhân bị ném xuống đó, vật vã trong sóng lớn, nước xoáy; khi bị giạt vào bờ lại đụng phải rừng cây lá kiếm đâm chặt, lại bị chó sói xông đến cắn xé;
12/ Thiết hoàn địa ngục (tội nhân bị buộc nắm lấy hòn sắt nóng);
13/Cân phủ địa ngục (tội nhân bị búa sắt nóng chặt bằm);
14/ Sài lang địa ngục (bị chó sói cắn xé);
15/ Kiếm thọ địa ngục (tội nhân bị tống vào rừng, gió thổi mạnh làm lá sắt nhọn như gươm kiếm rơi vào thân);
16/ Hàn băng địa ngục (gió lạnh thấu xương khiến toàn thân tê cóng, da thịt nứt nẻ đến chết).

Nói chung, một số nguồn kinh văn Phật giáo cho rằng có đến 500, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn địa ngục khác nhau. Chẳng hạn, kinh Địa Tạng ghi rằng: “Những địa ngục như thế (tức hơn 40 địa ngục đã nêu tên - HNT), trong mỗi ngục lớn lại có những ngục nhỏ, hoặc một, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, nhẫn đến trăm nghìn. Trong số đó danh hiệu chẳng đồng nhau”. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều sai biệt phong phú đến mức thậm phồn như vậy, song ở đó chúng ta rất dễ nhận ra dấu tích các địa ngục và các hình thức phạt tội của Nakara Hindu trong danh mục Nakara/ Niraya Phật giáo.

3. Kinh văn Phật giáo Trung Quốc mở rộng một cách đáng kể trong việc miêu tả về Nakara (địa ngục) thông qua việc thêm thắt những chi tiết về Nakara và những hình phạt, đồng thời khuyếch đại vai trò của Diêm vương và các thuộc hạ “đầu trâu mặt ngựa”. Trong các văn bản này, Nakara trở thành một bộ phận hợp nhất của bộ máy quan liêu ở thế giới bên kia, phản chiếu trung thực hệ thống quan chức cai trị của đế chế Trung Hoa.

Ở Trung Quốc, trong lịch sử, tín ngưỡng sùng bái quỷ hồn có từ lâu đời, người chết được gọi là quỷ đã được chép trong Lễ ký-Tế pháp, trong Thuyết văn giản tự cũng như tục chôn theo người chết các đồ tùng táng, kể cả heo, ngựa và nô lệ… để người chết có phương tiện sinh hoạt ở thế giới bên kia, tức cõi âm gian. Khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, tín ngưỡng về quỷ hồn truyền thống đã hòa nhập với tín lý nhân quả báo ứng, luân hồi chuyển thế của nhà Phật và từ đó lại được Đạo giáo hóa, tức khuôn thuyết địa ngục vào giáo nghĩa và quan niệm báo ứng của Đạo giáo để thành thuyết về địa ngục tổng hợp. Thuyết này càng ngày càng ảnh hưởng rộng rãi trong dân chúng.

Do giáo nghĩa Đạo giáo có phần phức tạp nên những cách trình bày về địa ngục cũng rất đa tạp. Tương truyền, thần núi Thái Sơn cai quản 36 địa ngục và kế đó là núi Phong Đô (có 6 thiên cung là nơi tra khảo và quản lý các hồn). Đến cuối đời nhà Đường, tín ngưỡng Thập điện Minh vương phát triển, 6 thiên cung của Phong Đô đổi dần thành Thập Vương điện và phổ biến rộng rãi đến sau này.

Đạo giáo chia âm phủ làm 10 điện. Mỗi điện đều có một vị vương chủ cai quản. Nó có quan hệ mật thiết với giáo nghĩa và quan niệm báo ứng của Đạo giáo.

Điện thứ 1: Tần Quảng Vương Tương, cai quản việc sinh tử, thọ yểu nơi nhân gian, cai quản việc cát hung cõi U minh. Những người suốt đời sống thiện, được hưởng tuổi trời, sau khi chết đi, tiếp tục được đầu thai vào kiếp khác. Những người vừa thiện vừa ác, khi chết đi sẽ được dẫn đến Thập điện Diêm La để xử lý, được đầu thai lại thế gian nhưng nam bị chuyển thành nữ, nữ bị chuyển thành nam. Những kẻ làm nhiều việc ác hơn việc thiện, khi chết đi sẽ dẫn đến pháp trường, xem xét những việc làm chốn nhân thế, sau đó thì áp giải đến điện thứ 2.
Điện thứ 2: Sở Giang Vương Lệ, cai quản đại địa ngục Hoạt, còn gọi là Địa ngục Bác Y Đình Hàn Băng, trong đó lập thành 16 địa ngục nhỏ.
Điện thứ 3: Tống Đế Vương Dự, cai quản đại địa ngục Hắc Thằng và 16 tiểu địa ngục khác.
Điện thứ 4: Ngũ Quản Vương, cai quản địa ngục Hợp còn có tên gọi là đại địa ngục Bác Lục Huyết Trì, được chia ra làm 16 tiểu địa ngục.
Điện thứ 5: Diêm Vương Thiên Tử Bao vốn ngự ở điện thứ nhất nhưng vì thương người chết oan hay trả hồn về sống lại kêu oan, nên bị giáng xuống cai quản địa ngục Khiếu Hoán (tội phạm ở đây đau khổ, buồn chán, không gì bằng) và 16 tiểu ngục Chu Tâm, mổ bụng, moi tim ném cho chó ăn, hết hạn chịu khổ ở đây lại bị dẫn vào địa ngục thứ 6.
Điện thứ 6: Biện Thành Vương Tất cai quản địa ngục Đại Khiếu Hoán và Uổng Tử Thành cùng với 16 tiểu địa ngục.
Điện thứ 7: Thái Sơn Vương Đổng, cai quản địa ngục Nhiệt Não, còn được gọi là địa ngục Tiêu Ma Nhục Tương, bao gồm 16 điện nhỏ.
Điện thứ 8: Đô Thị Vương Hoàng, cai quản đại địa ngục Nhiệt Não, còn gọi là địa ngục Nhiệt Não Muội Oa bao gồm 16 địa ngục nhỏ.
Điện thứ 9: Bình Đẳng Vương Lục, cai quản địa ngục Thiết Võng A Tỳ, bao gồm 16 tiểu địa ngục ở thành Phong Đô.
Điện thứ 10: Chuyển Luân Vương, chuyên cai quản các điện mà giải người chết đến nơi quỷ hồn để phân rõ thiện ác, quyết định đẳng cấp mới cho họ đầu thai ở bốn châu.

Thập điện Minh vương, tranh màu trên giấy, chùa Sắc Tứ Trường Thọ Gò Vấp, TP.HCM

Thập điện Diêm La được Hán hóa này rõ ràng là phiên bản của quan phủ nha môn ở cõi dương gian. Lại nữa, trong nhân gian Trung Quốc phổ biến tín niệm rằng, những người chính trực và công chính sau khi chết sẽ làm Minh vương (vua sáng ở âm phủ). Chính vì vậy, trong Thập điện Minh vương có nhiều vị được coi là hậu thân của các nhân vật lịch sử: Hàn Cầm Hổ, Phạm Trọng Yêm, Khấu Chuẩn, Bao Công… Đây là quá trình lịch sử hóa, tức Hán hóa triệt để thuyết về địa ngục Phật giáo khiến cho tín niệm về địa ngục luân hồi, nhân quả báo ứng  được hình tượng hóa một cách cụ thể và đặc biệt phong phú. Mặt khác, tín niệm này không chỉ được bằng con đường truyền giáo mà còn bằng con đường văn chương, nghệ thuật tạo nên sự lan tỏa đặc biệt lý thú.

4. Ở Việt Nam, song song với các tín niệm về địa ngục trong kinh văn Phật giáo là tín niệm Thập điện Minh vương. Tình hình này không chỉ thấy trong các tập hợp tranh thờ của Đạo giáo mà còn phổ biến trong các tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ trên giấy, trên gỗ gọi là Địa ngục đồ ở các đền chùa.

Trong kho tàng truyện dân gian có hàng loạt các truyền thuyết kể về truyện nhân quả báo ứng, ở đó mô-típ du địa phủ là nội dung chủ đạo. Trong các truyện thơ Nôm như Bà Chúa Ba Quan Âm Nam Hải ở Đàng Ngoài và ở Đàng Trong: Hứa Sử truyện vãn, Phạm Công-Cúc Hoa, Dương Tư-Hà Mậu (của Nguyễn Đình Chiểu và thậm chí truyện Thơ Mười Chức (kể về vụ án Đồng Nọc Nạn, ở Bạc Liêu năm 1928) việc xét xử ở địa phủ trở thành cái hậu quan trọng của tác phẩm. Tất cả những biện sự về địa ngục trong các sáng tác dân gian và thành văn đó là một tập hợp những phiên bản về tín niệm Thập điện Minh vương. Chúng là cứ liệu giúp chúng ta thấy được cách hiểu, mức độ tác động của các tín niệm về địa ngục này trong lịch sử văn hóa ở xứ ta. Ở đó cũng chỉ ra ảnh hưởng của Phật giáo đối với nỗ lực khuyến thiện răn ác, hướng chúng sinh về nẻo thiện lương.

* Huỳnh Ngọc Trảng  (NSGiacNgo -211)
(*) Vì danh mục tài liệu tham khảo quá dài nên xin được lược bỏ.